Mức ISO mặc định của thiết bị
Mọi máy ảnh đều có mức ISO cơ bản. Đây chính là độ nhạy cơ sở của cảm biến và đó là giá trị tốt để cho ra dải tương phản động cao nhất. Với các giá trị khác, máy ảnh sẽ khuếch đại tín hiệu ánh sáng đi vào cảm biến. Chính điều này đồng thời cũng khuếch đại cả nhiễu số trong hình ảnh.
Đối với phần lớn các máy ảnh DSLR và mirrorless, mức ISO cơ bản là 100, trong khi với một số chiếc máy ảnh cao cấp của Nikon là 64.
Mức ISO cơ bản không nhất thiết là mức ISO thấp nhất. Một ví dụ, chiếc Canon 5D Mark III của một phóng viên tại HowToGeek có mức ISO 50, nhưng để làm được điều này, nó phải giảm tín hiệu thu được trên cảm biến.
Vì bạn sẽ có được chất lượng ảnh tốt nhất tại mức ISO cơ bản, thế nên, bạn nên chọn nó là mức mặc định cho hầu hết trường hợp chụp. Nếu ở ISO 100 (hoặc ISO 64, bạn có thể kiểm tra lại hướng dẫn sử dụng của máy ảnh để chắc chắn) mà tốc độ màn trập và khẩu độ vẫn ở mức mà bạn muốn, thì hãy sử dụng nó.
ISO 200-800
Nếu bạn cần sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn hay khép khẩu lại nhỏ hơn mức độ ISO cơ bản cho phép, thì bạn có thể tăng mức ISO đến 800. Đây là mốc ISO an toàn không gây ảnh hưởng quá nhiều đến ảnh.
Có thể coi ISO 800 là mức ISO cao nhất trong khoảng này bởi hầu hết các máy ảnh sử dụng cảm biến crop được định hướng ở mức entry level đều có thể đạt được mà chất lượng hình ảnh không bị giảm đi. Một số chiếc máy ảnh mới hơn hoặc full-frame có thể lên cao hơn. Chúng tôi khuyên bạn hãy thử chụp với các mức ISO và so sánh sự khác nhau giữa mỗi giá trị.
ISO 800-3200
Đây là khoảng cao nhất mà chiếc máy ảnh của bạn có thể tăng lên trong hầu hết mọi tình huống mà không phải hi sinh quá nhiều về chất lượng hình ảnh. Nó không phải là mức cao nhất mà bạn có thể sử dụng, nhưng nó là cao nhất để vẫn đảm bảo cho ra chất lượng hình ảnh tốt.
Tăng ISO đến mức này sẽ giúp bạn có sự cân bằng hơn. Nếu bạn chụp vào buổi đêm hoặc làm việc ở một nơi nào đó thật tối mà không thể giảm tốc độ màn trập hay mở khẩu rộng ra nữa thì tăng ISO chính là thứ duy nhất mà bạn có thể làm được. Trong phạm vi này, bạn vẫn có được những hình ảnh ở mức sử dụng được, nhưng không phải là đạt chất lượng cao nhất. Và một bức ảnh đẹp chấp nhận được sẽ tốt hơn là không có bức ảnh nào.
ISO 6400 trở lên
Một khi bạn nâng lên đến mức 3200, bạn sẽ thấy độ nhiễu tăng lên đáng kể. Như mọi khi, giá trị chính xác phụ thuộc vào chiếc máy ảnh bạn đang sử dụng. Thế nhưng, với một số dòng máy cũ hoặc đời thấp hơn, những hình ảnh này sẽ trở nên vô dụng, ít nhất là khi phục vụ cho nhu cầu chuyên nghiệp.
Nó cũng phụ thuộc vào những gì bạn chụp. Đôi khi, chúng ta không cần quá lo lắng với mức ISO 6400 bởi một số máy cho ra chất lượng ảnh chấp nhận được khi chụp chân dung vào buổi đêm. Còn nếu bạn muốn nó không còn nhiễu thì có lẽ bạn sẽ phải từ bỏ.
Và nếu trong trường hợp bất đắc dĩ, bạn vẫn có thể chụp ảnh ở mức ISO cao và về xử lý hậu kì. Cuối cùng, nhiễu xuất hiện hoàn toàn ngẫu nhiên, thế nên, không chắc rằng chúng sẽ xuất hiện trên cùng một điểm trong mọi hình ảnh.
Kết luận
ISO là thiết lập đầu tiên mà bạn có thể thay đổi khi bạn cần tăng độ sáng, và nó tốt cho đến một mức nào đấy. Nếu bạn thấy chất lượng hình ảnh giảm rõ rệt, bạn cần phải cân nhắc cẩn thận hơn về mức ISO mà mình đang chọn.
Theo : VNREVIEW