CES 2022 sẽ kết thúc sớm hơn một ngày
CTA cho biết CES 2022 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7.1 như một biện pháp an toàn bổ sung cho việc bảo vệ sức khỏe hiện được áp dụng, tức kết thúc sớm hơn một ngày so với dự kiến. Theo Engadget, điều này diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty công bố rút khỏi sự kiện trước diễn biến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Ngoài yêu cầu khẩu trang và bằng chứng tiêm chủng để tham dự các sự kiện trực tiếp, CTA cũng cho biết họ sẽ cung cấp các kit test Covid-19.
Vào tuần trước, các công ty nổi tiếng như Amazon, Google, Intel, Lenovo, Meta... đã hủy bỏ kế hoạch trực tiếp tham dự CES 2022. Như một phần của thông báo mới nhất, CTA giải thích rằng hơn 2.200 công ty vẫn trưng bày hàng hóa của họ tại Las Vegas, đồng thời cho biết sự kiện đã thu hút thêm 143 công ty trong hai tuần qua.
Tính năng tăng fps AMD FSR hỗ trợ hơn 70 game
Mất khá nhiều thời gian để AMD có thể tung ra tính năng FidelityFX Super Resolution (FSR), nhưng bây giờ thì công nghệ upscale này đã đến được tay của các nhà phát triển rồi các bạn ạ. Thế nên AMD cũng tận dụng cơ hội này để tung video công bố rằng hiện tại đang có tới 71 game hỗ trợ FSR (đã phát hành lẫn đang phát triển). Đội đỏ còn cho biết đây là công nghệ phần mềm gaming được phổ biến nhanh nhất trong lịch sử AMD.
Danh sách các game hỗ trợ (chi tiết tại đây) bao gồm những cái tên đình đám như Far Cry 6, F1 2021, Resident Evil Village, Horizon Zero Dawn, Godfall, Deathloop, God of War. Đây là một thành quả rất ấn tượng vì FST chỉ mới ra mắt cách đây 6 tháng mà thôi.
AMD FSR cũng được tạo ra với mục đích y như công nghệ DLSS của Nvidia: tăng fps khi chơi game. Sự khác biệt chính giữa 2 công nghệ này là Nvidia sử dụng phương pháp temporal upscale bằng trí thông minh nhân tạo (AI), còn AMD FSR thì dùng spatial upscale (không có AI). Thế nên AMD dễ tích hợp vào game hơn. FSR còn là công nghệ mã nguồn mở, hỗ trợ những chiếc card đời cũ, thậm chí là một số card Nvidia cũng xài được luôn. Trong khi DLSS chỉ dành cho card RTX của Nvidia mà thôi.
Nhìn chung thì DLSS có lợi thế về mặt chất lượng hình ảnh, còn FSR thì nhà phát triển sẽ dễ tích hợp vào game hơn và cũng ít ngốn phần cứng hơn. Sắp tới, chúng ta còn có thêm công nghệ XeSS của Intel, cũng hoạt động dựa trên AI để tăng fps khi chiến game. Chúng ta cùng chờ xem nhé.
Bản cập nhật Windows 11 22H2 phát hành trong mùa hè 2022
Cụ thể, phiên bản cập nhật Windows 11 22H2 có tên mã nội bộ là "Sun Valley 2", đã được Microsoft lên kế hoạch hoàn thiện trong tháng 5.2022 và sẽ được phát hành vào mùa hè 2022. Tương tự như Windows 10 phiên bản 1511 (Threshold 2) trước đây, Microsoft sẽ tập trung mạnh vào việc hoàn thiện hệ điều hành, đa phần là cải tiến về giao diện để đạt được sự đồng nhất tuyệt đối, xuyên suốt.
Những sự cải tiến dự đoán sẽ có trên Windows 11 22H2 có thể kể đến như hoàn thiện giao diện tối (dark mode), trau chuốt các biểu tượng hệ thống và đem trở lại những thao tác tiện lợi bị thiếu trên Thanh tác vụ (Taskbar) - điều khiến nhiều người dùng đang phải dùng ứng dụng từ bên thứ ba để khắc phục tạm thời.
Ngoài ra, kể từ bản cập nhật Windows 11 22H2, Microsoft sẽ bắt đầu cho phép các widget từ bên thứ ba được phép hoạt động. Đồng nghĩa bên cạnh những widget hệ thống cung cấp sẵn thì người dùng có thể tải về các widget độc lập từ Microsoft Store hoặc tập tin cài từ internet.
Bên cạnh đó, phiên bản Windows 11 thử nghiệm (chương trình Windows Insider Program) hiện đã cho phép cài đặt ứng dụng Android qua các tập tin APK.
Trung Quốc cấm Steam phiên bản quốc tế
Theo The Verge, Steam Global có thể đã bị cấm ở Trung Quốc. Hiện chỉ phiên bản Steam dành riêng cho Trung Quốc mới có thể sử dụng tại quốc gia này. Steam Trung Quốc chỉ gồm 103 trò chơi, một phần rất nhỏ trong số hơn 110.000 game mà nền tảng của Valve phân phối. Người chuyên đưa tin về Fortnite, Ricky Owens (@iFireMonkey) phát hiện ra lệnh cấm này và thông báo trên Twitter ngày 25/12. “Tên miền Steam đã bị chặn ở Trung Quốc khoảng 8 giờ trước”, Ricky cho biết.
The Verge cho biết đã xác minh thông tin này bằng cách sử dụng công cụ Comparitech nhằm kiểm tra một trang web có bị chặn ở Trung Quốc không. Khi nhập đường dẫn “store.steampowered.com” vào trang web, công cụ trả về kết quả Steam đã bị chặn tại mọi vùng của Trung Quốc. Tuy nhiên với “store.steamchina.com”, người dùng tại quốc gia tỷ dân vẫn có thể truy cập bình thường.
Lệnh cấm khiến game thủ Trung Quốc chỉ được phép truy cập vào Steam dành riêng cho thị trường này, được giới thiệu vào tháng 2. Ngoài việc có ít trò chơi hơn, Steam Trung Quốc bị xóa toàn bộ tính năng cộng đồng. Các công cụ như Steam Workshop, Community Market, diễn đàn thảo luận và phần hiển thị các buổi phát sóng trực tiếp, hướng dẫn chơi từ người dùng khác đều không tồn tại.
The Verge cho rằng lệnh cấm này là động thái rõ ràng của Trung Quốc để kết thúc một năm nhà chức trách nước này “mạnh tay” với trò chơi điện tử. Trang Ginx cho rằng giống như những lệnh cấm khác, game thủ Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận với phiên bản Steam toàn cầu thông qua VPN. Tuy nhiên, không phải lúc nào VPN lúc nào cũng hoạt động tốt. Đồng thời, trải nghiệm chơi game của người dùng sẽ bị cản trở với VPN.
Vương Trung Tín
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
- ASUS BlackFriday 2024: Săn Sale Laptop AI, ROG Ally Và Laptop Gaming AI Mạnh Nhất
- Laptop AI Zenbook DUO Rò Rỉ Cấu Hình: Intel Core Ultra 9 285H/2TB/Giá 3679USD Tại UAE
- Tại sao dùng Outlook mới của Windows 11 tốt hơn Mail & Calendar
- Nhận Code Sonic Frontiers Khi Mua ROG Ally Và Ally X Mùa BlackFriday
- CTKM: ĐẠI TIỆC ROG GIÁNG SINH LY KỲ