HUAWEI MATE 40 CÓ THỂ LÀ FLAGSHIP CUỐI CÙNG TRANG BỊ CHIPSET KIRIN
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ thông tin Trung Quốc 2020, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, Yu Chengdong, xác nhận rằng công ty sẽ ra mắt dòng smartphone flagship Mate 40 mới nhất vào mùa thu năm nay. Ông cũng xác nhận rằng thiết bị này sẽ được trang bị SoC Kirin 9000 "cây nhà lá vườn", khẳng định sẽ là một trong những SoC mạnh mẽ nhất có hỗ trợ kết nối 5G, xử lý AI cùng GPU và NPU cực tốt.
HUAWEI CÔNG BỐ DỰ ÁN “NANNIWAN”, HƯỚNG ĐẾN NHỮNG SẢN PHẨM KHÔNG SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ MỸ
Không chỉ smartphone, Huawei còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ tai nghe không dây, smartband cho đến các giải pháp lái xe tự động hay trang thiết bị 5G. Và có một điều mà ít ai biết được rằng, lệnh cấm của Mỹ chỉ đề cập đến các sản phẩm có màn hình nhỏ. Để bảo vệ bản thân khỏi những hạn chế lớn hơn và quảng bá các sản phẩm có màn hình "không nhỏ" của mình, Huawei đã công bố dự án "Nanniwan" nhằm tránh các sản phẩm có chứa công nghệ Mỹ. Theo nguồn tin từ GizChina, Huawei đang đẩy nhanh các tiến bộ trong mảng kinh doanh laptop cùng màn hình thông minh của mình. Hai danh mục sản phẩm này không sử dụng công nghệ Mỹ. Giữa tháng 8 này, Huawei sẽ trình làng những laptop mới của mình cũng như các sản phẩm Honor. Theo một số nguồn tin, Honor dự định sẽ ra mắt một chiếc notebook chơi game hoặc hiệu năng cao trong tháng 8 này. Rất có thể, chúng sẽ là những sản phẩm đầu tiên nằm trong dự án Nanniwan.
Người đứng đầu thương hiệu Honor, Zhao Ming, đã nhiều lần lưu ý rằng, phân khúc laptop chơi game thực sự rất thú vị đối với công ty. Do phải mất vài năm để phát triển sản phẩm mới, Huawei có thể sẽ cung cấp một thứ gì đó thật thú vị. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã có 1 lựa chọn thay thế cho những chiếc laptop chơi game MSI cũng như Asus, với mức giá phải chăng hơn. Về mặt phần cứng, những chiếc laptop mới này có thể sẽ sử dụng các bộ xử lý Intel Core H thế hệ 10 và AMD Ryzen 4000H, cũng như card đồ họa GeForce RTX 20.
Cả Huawei và Honor đã từng thành công với nhiều sản phẩm laptop khác sử dụng những bộ xử lý của cả Intel lẫn AMD. Gần đây, cả 2 đều đã chuyển sang các SoC Ryzen của AMD, và chắc chắn trong tương lai, những mẫu laptop sử dụng các con chip này cũng sẽ tăng lên.
Google Stadia và Microsoft xCloud không thể sử dụng được trên các thiết bị của nhà Táo vì vi phạm chính sách của App Store
Chơi game bằng đám mây (cloud gaming) là bước tiếp theo của mobile gaming, với các dịch vụ như xCloud của Microsoft với mục tiêu đem những tựa game AAA lên trên nền tảng các thiết bị di động. Microsoft đã và đang thử nghiệm ứng dụng xCloud trên các thiết bị Android và iOS được một thời gian rồi, và dự kiến ứng dụng này sẽ ra mắt vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, có vẻ như là Microsoft chỉ phục vụ người dùng Android mà thôi, lý do là vì Apple cho biết những loại ứng dụng này vi phạm những nguyên tắc (guidelines) trên App Store.
Việc này không chỉ áp dụng riêng cho xCloud mà còn áp dụng cho cả nền tảng chơi game Stadia của Google. Khi nhà phát triển đăng tải ứng dụng lên App Store cho iOS thì ứng dụng đó sẽ được Apple đánh giá (review) vì lý do bảo mật và xem xem là nó có tuân thủ đúng các quy định hay không. Sở dĩ xCloud và Stadia bị cấm là vì nó thuộc loại phần mềm cho phép truy cập vào các ứng dụng khác nhau (cụ thể ở đây là game), và điều này đi ngược với chính sách của Apple vì họ không thể kiểm soát được các ứng dụng mà những dịch vụ này cung cấp.
Tencent “bốc hơi” 35 tỷ đô sau lệnh cấm ứng dụng WeChat của Mỹ
Vừa rồi chính quyền Trump đã có động thái cấm người dân tại Mỹ hợp tác kinh doanh với với ứng dụng WeChat của Tencent, gây ảnh hưởng đến thị trường Trung Quốc. Cụ thể là giá trị thị trường (market value) của Tencent đã bốc hơi 30 tỷ USD và khiến đồng nhân dân tệ (RMB) bị rớt giá thê thảm trong vòng 2 tuần. Theo lệnh hành pháp của tổng thống Hoa Kỳ thì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một xấu đi và nó sẽ ảnh hưởng đến các công ty, nền kinh tế, và các thị trường khác nhau. Sự nhầm lẫn ban đầu về phạm vi của lệnh cấm đã dẫn đến giao dịch biến động (volatile trading), và giá trị cổ phiếu của Tencent giảm hơn 10% trong phiên giao dịch buổi sáng tại HongKong. Sau khi một quan chức Hoa Kỳ xác minh là lệnh cấm này chỉ áp dụng cho WeChat thôi thì con số kia chỉ còn 4,3%. Hang Seng Index của HongKong tụt 1,6%, còn đồng nhân dân tệ ở nước ngoài (offshore yuan) thì giảm 0,3%.
Lệnh cấm này không rõ ràng cho lắm, khiến nhiều người sợ rằng nó không chỉ liên quan đến các dịch vụ nhắn tin và thanh toán của Tencent tại thị trường Mỹ mà nó còn ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh với một số tập đoàn lớn của Mỹ. Tencent – theo Newzoo thì đây là nhà phát hành game lớn nhất thế giới (theo doanh thu) vào năm 2019 – hợp tác với các hãng đứng đầu ngành công nghiệp tại Hoa Kỳ như Activision Blizzard và Electronics Arts. Nó cũng nắm phần lớn cổ phần trong Epic Games (Fortnite) và Riot Games (Liên Minh Huyền Thoại).
Không chỉ riêng NVIDIA, Samsung cũng muốn nhúng tay vào thương vụ mua lại Arm
Theo nguồn tin của Korea Times thì Samsung Electronics đang cân nhắc việc mua lại một ít cổ phần của Arm Holdings. Samsung không có ý định nắm phần lớn cổ phần của Arm mà chỉ dự định nắm khoảng 3% đến 5% mà thôi. Việc này sẽ mang lại một số lợi ích cho Samsung, nhưng lợi ích lớn nhất ở đây là để giảm chi phí cấp giấy phép (licensing fees) để sản xuất chip dựa trên kiến trúc Arm. Chip Exynos của Samsung được xây dựng dựa trên kiến trúc Arm và nó được trang bị cho một số sản phẩm, đơn cử là điện thoại thông minh. Do đó, nước đi này của Samsung là hoàn toàn hợp lý.
Theo Bloomberg thì NVIDIA đã sẵn sàng mua lại Arm, nhưng theo tình hình hiện tại thì điều này chưa chắc đã đúng. Thương vụ này đã dấy lên nhiều câu hỏi, chẳng hạn như liệu NVIDIA có đáp ứng được con số 41 tỷ USD mà Softbank đưa ra hay không. Thiết kế Arm được sử dụng bởi rất nhiều công ty, chẳng hạn như Samsung, NVIDIA, Qualcomm, Apple; và những con chip sử dụng kiến trúc Arm được đưa vào rất nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh cho đến tablet, TV.
Qualcomm yêu cầu Mỹ cho phép được bán chip Snapdragon cho Huawei
Qualcomm hiện đang yêu cầu chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm liên quan tới việc giao dịch với Huawei, đồng thời cho phép Qualcomm được bán chip Snapdragon cho công ty Trung Quốc này. Theo Wall Street Journal, đơn kiến nghị của Qualcomm cho rằng lệnh cấm được áp dụng với Huawei sẽ không thể ngăn cản công ty này trong việc mua chip, thay vì mua từ các hãng Mỹ thì giờ Huawei sẽ chuyển sang mua của MediaTek, Samsung. Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp các công ty Mỹ có được lợi thế cạnh tranh. Qualcomm cũng đề cập rằng việc này ảnh hưởng lớn tới thị phần chip 5G của công ty, trong bối cảnh 5G đang chuẩn bị bùng nổ trên toàn thế giới. Thế nên Qualcomm không ngần ngại đề xuất việc cho họ tiếp tục giao dịch với Huawei.
Mới hồi cuối tháng 7, Qualcomm thông báo vừa kí với Huawei một thỏa thuận cấp quyền sử dụng bằng sáng chế 5G và cả hai sẽ hợp tác trong thời gian dài. Huawei cũng sẽ trả cho Qualcomm số tiền 1,8 tỉ USD liên quan đến một vụ kiện tụng giữa hai bên. Dự kiến đến hết tháng 9 thì Qualcomm sẽ nhận được số tiền này. Trước đây một số công ty đã từng giao dịch lại được với Huawei nhờ việc yêu cầu trường hợp ngoại lệ từ chính phủ, ví dụ như Intel, Micron, Xilinx. Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng yêu cầu của Qualcomm sẽ thành công.
CẢM BIẾN HÌNH ẢNH SAMSUNG DẦN THU HẸP KHOẢNG CÁCH THỊ PHẦN VỚI SONY
Theo hãng nghiên cứu thị trường Omdia, chênh lệch về thị phần giữa cảm biến hình ảnh Sony và Samsung đang thu hẹp dần. Vào quý 4 năm 2019, Sony chiếm 53,6% còn Samsung chỉ là 17,2%. Nhưng trong quý 1 đầu năm nay, thị phần Sony rơi nhanh xuống mức 44,6% trong khi Samsung lại tăng lên 24,4%. Tới quý 2, Sony tiếp tục giảm xuống 42,5% còn thị phần Samsung đạt 21,7%.
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
- TẢN AIO ASUS: MÁT TẬN TRONG LÕI MẠNH TỪ TRONG NHÂN
- ASUS BlackFriday 2024: Săn Sale Laptop AI, ROG Ally Và Laptop Gaming AI Mạnh Nhất
- Laptop AI Zenbook DUO Rò Rỉ Cấu Hình: Intel Core Ultra 9 285H/2TB/Giá 3679USD Tại UAE
- Tại sao dùng Outlook mới của Windows 11 tốt hơn Mail & Calendar
- Nhận Code Sonic Frontiers Khi Mua ROG Ally Và Ally X Mùa BlackFriday