[ZenNews 29] Lợi nhuận Huawei tăng 13% bất chấp bị cấm vận, TSMC ngưng sản xuất chip cho Huawei, ARM tăng chi phí cấp phép chip lên gấp 4 lần

Phú© Anh Phú© Anh
Bài viết: 833 Lượt thích: 308
Huawei báo lợi nhuận tăng 13,1%, bất chấp đại dịch và cấm vận

Hôm thứ 2 vừa rồi, Huawei đã thông báo doanh thu nửa đầu năm 2020 của tập đoàn, qua đó công bố lợi nhuận cả tập đoàn trong 6 tháng đầu năm vượt 13,1% so với cùng kỳ năm 2019, bất chấp cả nhu cầu smartphone toàn cầu đi xuống vì đại dịch COVID-19 lẫn lệnh cấm vận của nhiều quốc gia, không cho phép các nhà mạng mua thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông của Huawei.

Cụ thể hơn, Huawei thông báo doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức 454 tỷ Nhân Dân Tệ, tức 64,88 tỷ USD, trong đó mảng thiết bị viễn thông chiếm 35%, mảng thiết bị doanh nghiệp chiếm 8% và mảng thiết bị tiêu dùng chiếm 56% doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận của Huawei trong khoảng thời gian này đạt 9,2%, tăng nhẹ so với con số 8,7% vào cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Huawei không đưa ra con số cụ thể cho từng khu vực, nhưng có thể đưa ra dự đoán rằng đại lục là khu vực chủ yếu đóng góp cho con số khá bất ngờ này của tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Cả Huawei lẫn ZTE đều đang chia nhau miếng bánh thị phần hợp đồng lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng viễn thông 5G của các nhà mạng lớn tại Trung Quốc.
ARM TĂNG PHÍ CẤP PHÉP CHIP LÊN GẤP 4 LẦN ĐỐI VỚI MỘT SỐ KHÁCH HÀNG

Theo thông tin từ Reuters, trong các cuộc đàm phán gần đây, ARM đã tăng chí phí giấy phép lên đến 4 lần đối với một số khách hàng. Động thái này đã khiến một số công ty đang sử dụng giấy phép của ARM cân nhắc tìm đến những lựa chọn khác ngoài ARM. "Điều đó đã tạo ra rất nhiều sự căng thẳng cho chúng tôi", một công ty sử dụng giấy phép của ARM bức xúc nói với Reuters, và bổ sung thêm rằng, sự tăng giá này không tương xứng với những cải tiến trong công nghệ. Một số công ty như Qualcomm được cấp phép bộ tập lệnh cũng như thiết kế nhân CPU từ ARM và chỉ phải trả tiền bản quyền cho mỗi thiết kế. Những công ty khác như Apple lại chỉ trả tiền cho bộ tập lệnh và tự thiết kế những lõi CPU của riêng mình.
cortex-a78-x1-feature-jpg.11063

ARM đã kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ việc cấp phép và hàng tỉ USD từ các con chip do họ thiết kế. Việc phí cấp phép tăng mạnh có thể tác động tiêu cực đến người dùng cũng như buộc các công ty phải tăng giá sản phẩm cuối cùng để bù lại mức phí tăng này.
TSMC ngưng sản xuất chip cho Huawei

TSMC – một trong những nhà máy sản xuất bóng bán dẫn lớn nhất trên thế giới – vừa rồi đã chính thức xác nhận rằng họ sẽ ngừng nhận tất cả đơn hàng từ công ty Huawei Technologies của Trung Quốc. Nhà sản xuất này đã quyết định là sẽ tuân thủ theo các quy định của Hoa Kỳ và sẽ ngưng xử lý các đơn hàng cho Huawei vào ngày 14/09/2020. Chính xác hơn thì TSMC đã nhận các đơn hàng từ HiSilicon, một công ty con của Huawei Technologies, tập trung vào việc tạo ra những con chip tùy biến riêng.
image3-jpg.11060

Dưới quy định mới của Hoa Kỳ thì tất cả công ty không thuộc Mỹ đều phải xin giấy phép mới được bán các công nghệ của Mỹ cho Huawei. Có rất nhiều công ty Mỹ như KLA Corporation, Lam Research, và Applied Materials đều cung cấp công cụ cho các nhà máy sản xuất nên sẽ khá là khó cho Huawei tìm được nhà máy khác để sản xuất chip cho họ. Có vẻ như Huawei chỉ còn nước là gửi đơn hàng đến nhà máy SMIC của Trung Quốc mà thôi. SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) là nhà máy sản xuất bóng bán dẫn lớn nhất Trung Quốc và cũng đang có trong tay nhiều hợp đồng cung cấp chip cao cấp cho các hãng khác nhau. Nó có chi phí vốn (capital spending) dự kiến sẽ đạt 3,1 tỷ USD trong năm 2020. SMIC vẫn tụt hậu so với nhà máy TSMC với khoảng cách là gần 3 năm, nhưng nỗ lực của họ vẫn rất đáng ghi nhận. Vừa rồi, để tăng doanh số thì SMIC đã quyết định mời ông Bai Nong – cựu Tổng Giám đốc của GlobalFoundries Trung Quốc – về đội của mình để giữ chức vụ đồng Giám đốc Điều hành (co-CEO) cùng Tiến sĩ Liang Mong Song.
Apple đã phải trả cho Samsung 950 triệu USD vì không mua đủ tấm nền OLED

Samsung vào tuần trước đã chia sẻ doanh thu và lợi nhuận hoạt động của mình trong quý 2 năm 2020, trong đó bao gồm lợi nhuận liên quan đến kinh doanh màn hình của mình. Trong số lợi nhuận đó có một khoản lớn được trả một lần và một nhà phân tích tin rằng đây là con số từ Apple. Theo nhà phân tích này, đây có thể là khoản tiền mà Apple phải trả vì đã mua số lượng tấm nền OLED ít hơn so với dự định trước đây trong suốt quý 2 năm nay.
iphone-11-pro-display-jpg.11061

Trong điều khoản hợp đồng giữa Apple và Samsung có mục đạt số lượng bán ra tấm nền OLED nhất định, mới đây một nhà phân tích chỉ ra rằng Apple đã phải trả con số lên đến 950 triệu USD vì không đạt chỉ tiêu bán ra. Khoản chi trả lần này cũng chỉ ra rằng doanh số bán iPhone đã không đạt kỳ vọng của Apple và tất nhiên kéo theo đó là số lượng bán ra tấm nền OLED của Samsung cũng không đạt kỳ vọng và Apple phải bồi thường cho Samsung. Hiện tại Apple không tiết lộ gì chi tiết về doanh thu trong quý này mà chỉ cho biết là đạt 58.3 tỷ USD, tăng từ 58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nhưng Apple dự kiến là sẽ thông báo quý tài chính của mình vào 30/7 sắp tới nên chúng ta có thể biết thêm về sự việc lần này.
Trước đó vào 7/2019 vừa rồi, Apple cũng đã phải trả 683 triệu USD cho Samsung vì không đạt chỉ tiêu bán ra màn hình OLED do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Apple sẽ hợp tác với TSMC để sản xuất CPU cho máy Mac

Hồi tháng 6/2020 Apple có tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng CPU Intel x86 nữa mà sẽ trang bị chip ARM được tùy biến riêng cho những chiếc máy Mac thế hệ sau này, và họ đặt tên cho con chip này là Apple Silicon. Để đạt được mục tiêu này, Apple cần phải hợp tác với một bên khác để sản xuất chip, và theo bài viết của Digitimes thì họ sẽ chọn TSMC làm đối tác. Theo đó, đơn hàng chip ARM cho Apple Mac sẽ được thực hiện vào nửa cuối năm 2021, góp phần kha khá vào doanh số của TSMC. Tất nhiên, nhiều người cũng đã đoán trước được điều này. Apple đã và đang là một trong những khách hàng lớn của TSMC trong mảng chip mobile, và với những tiến bộ của TSMC trong việc thu nhỏ tiến trình thì quyết định này của Apple là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Ngoài ra thì trước đó cũng đã có một vài tin đồn cho rằng Apple đang thương thảo với TSMC để sản xuất chip ARM.
image2-jpg.11062

Mặc dù Apple có thể chỉ đặt một số lượng ít đơn hàng, đây vẫn là một khách hàng có tiềm năng lớn đối với TSMC. Các nhà phân tích dự đoán rằng những chiếc máy Mac đầu tiên được trang bị Apple Silicon sẽ là MacBook Air và 13-inch MacBook Pro, sau đó sẽ là những mẫu khác. Ngoài ra thì Apple cũng giải thích rằng họ sẽ chuyển sang kiến trúc ARM theo từng đợt và nó sẽ kéo dài trong vòng 2 năm. Trong lúc đó, Digitimes cũng cho biết Apple có thể đang ký kết hợp đồng với ASMedia về bộ điều khiển USB cho những chiếc máy Mac sử dụng chip ARM.
Snapdragon 875G sẽ ra mắt vào cuối năm nay, có chữ G, và Samsung sản xuất

Tấm hình trên rò rỉ từ mạng xã hội Weibo, trong đó cho thấy vào cuối năm nay Qualcomm sẽ ra mắt con chip Snapdragon 875G. Có 2 điểm đáng chú ý:
qualcomm-snapdragon-product-map-leak-jpg.11065

Thứ nhất, trong tên chip có chữ G - Graphics. Qualcomm thường không dùng chữ G trong tên dòng chip cao nhất của mình (họ chỉ dùng cho các dòng Snap 7xx tầm trung), nên mạnh dạng đoán rằng Snapdragon 875G sẽ có cải tiến rất đáng kể về đồ họa, nhắm tới những chiếc gaming phone.
Thứ hai, Qualcomm có vẻ sẽ chuyển sang đặt hàng Samsung sản xuất chip cho mình thay vì tiếp tục dùng dây chuyền của TSMC như từ trước đến nay. Snapdragon 875G sẽ được sản xuất trên dây chuyền 5nm, nhỏ hơn mức 7nm so với hiện nay. Trước đây Samsung và Qualcomm cũng từng hợp tác phát triển, sản xuất chip nhưng rồi cũng chia tay, giờ quay lại với nhau.
Anh cấm sử dụng hạ tầng 5G của Huawei, cổ phiếu Nokia bất ngờ tăng vọt 120%

Vương quốc Anh vừa bất ngờ đưa ra lệnh cấm các nhà cung cấp dịch vụ di động sử dụng các thiết bị 5G của Huawei sau ngày 31 tháng 12 vừa yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ các thiết bị 5G của công ty Trung Quốc ra khỏi mạng lưới viễn thông vào năm 2027. Vì sao ư? Công ty TQ này đã có một lịch sử không mấy tốt đẹp về việc thu thập dữ liệu người dùng. Điều này đã giúp hai đối thủ trong lĩnh vực 5G của Huawei là Nokia và Ericsson đều có sự tăng trưởng giá cổ phiếu.

Nokia hiện đang sở hữu bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) của Bell Labs và điều này giúp họ rất tự tin về việc phát triển 5G trong tương lai. Quyết định này của Anh đem lại nhiều lợi ích cho các đối thủ của Huawei, khi mà hiện tại nhiều nước cũng đang từ chối Huawei trên nhiều phương diện. Nokia và Ericsson đang được trao cờ vào tay, việc của họ là nắm bắt cơ hội tốt như thế nào mà thôi. Hiện tại giá cổ phiếu của Nokia đã tăng lên 10USD / cổ phiếu, với mức tăng 120%.
Một loạt các công nghệ sạc nhanh được các thương hiệu Trung Quốc ra mắt

Tuần qua có thể được coi là tuần "Sạc nhanh" bởi một loạt các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã ra mắt công nghệ sạc nhanh của họ.
Nổi bật nhất có lẽ là Oppo khi thương hiệu này ra mắt tới 2 công nghệ sạc nhanh bao gồm: Sạc nhanh có dây 125W giúp sạc cho viên pin 4000 mAh lên 41% chỉ trong 5 phút và sạc đầy trong 20 phút cùng với đó là 10 cảm biến nhiệt độ để theo dõi tình trạng sạc và đảm bảo nhiệt độ ổn định trong quá trình sạc, Sạc nhanh không dây AirVOOC 65W giúp sạc đầy viên pin 4000mAh từ 0% lên 100% chỉ trong 30 phút; cùng với đó là Cục sạc SuperVOOC Mini 50W và 110W với thiết kế cực kỳ nhỏ gọn và có kích thước chỉ tương đương với một chiếc bánh gạo (loại mặn).

Tiếp sau đó là Vivo với công nghệ sạc nhanh 120W FlashCharge, công nghệ sạc này chỉ mất 5p đã dễ dàng đạt 50% pin và 15p để hoàn thành quá trình sạc đầy.

Và Realme, thương hiệu con của Oppo, cũng đã ra mắt công nghệ sạc nhanh riêng của mình mang tên UltraDART với công suất 125W. UltraDART sạc theo công nghệ PPS 125W, khi tăng dần hiệu điện thế volt lên cao để sạc đầy viên pin. Theo realme thì để sạc cho một thiết bị có dung lượng pin 4.000 mAh thì UltraDART thì mất có 3 phút sạc từ 0% - 33%, và chỉ mất 20 phút để sạc đầy 100%. Tất nhiên thiết bị sạc UltraDART cũng sẽ hỗ trợ sạc nhanh VOOC và SuperVOOC (1.0 và 2.0) và cả Warp charge của OnePlus hay cả chuẩn sạc phổ biến nhất như PD 65W và Qualcomm QuickCharge 36W. Nhằm khắc phục tình trạng quá nhiệt trong lúc sạc, công nghệ UltraDART tích hợp 14 cảm biến khác nhau để kiểm soát nhiệt độ, cũng như kết hợp với hệ thống làm mát. Realme cũng có các giải pháp sạc bên trong nhằm giữ cho nhiệt độ không cao hơn 40 độ C khi giảm điện áp xuống, người dùng có thể thoải mái sạc trong quá trình sử dụng hay thậm chí vừa sạc vừa chơi game.
 
Last edited by a moderator:

Facebook Comment