Lợi dụng tâm lý hoang mang và sự thiếu hiểu biết về quy trình bảo hành, nhiều cửa hàng máy tính đã tiến hành trục lợi từ các bạn sinh viên nhẹ dạ nói trên. Điển hình nhất là trường hợp của bạn T, một bạn sinh viên năm 2 đang theo học tại một trường đại học chính quy tại Hà Nội. Bạn T có được gia đình mua một chiếc laptop ASUS ZenBook vào đầu tháng 8/2018 để phục vụ cho việc học trong năm đầu tiên.
Hóa đơn GTGT từ nhà phân phối cho thấy sản phẩm được mua ngày 8/8/2018.
Sau khoảng một năm sử dụng, máy của T gặp phải những tình trạng như chậm giật, màn hình xanh. Thay vì đem lên TTBH ủy quyền của ASUS, T đem máy ra phố Lê Thanh Nghị tại Hà Nội với suy nghĩ cho rằng sửa ngoài sẽ rẻ và nhanh hơn mà không hề hay biết là chiếc máy của T và tất cả các sản phẩm máy tính xách tay của ASUS có thời gian bảo hành chính hãng là 2 năm. Máy của T sẽ được bảo hành tới tháng 8/2020 theo như hóa đơn mua hàng GTGT mà T cung cấp.
Hình ảnh cửa hàng sửa máy tính gửi Zalo cho T, lấy lý do máy hỏng do... bụi bẩn & kiến vào gây cháy main?
Máy của T sau khi sửa chữa tại cửa hàng, với phần tem seal dán... lại là của công ty máy tính Vĩnh Xuân thuộc TTBH ủy quyền của ASUS.
Sau khi nhận lại máy, T thanh toán tiền đầy đủ và còn nói là sửa chữa ở đây rẻ hơn hãng, mà không hề hay biết rằng cửa hàng đã giấu T đem máy lên một TTBH khác của ASUS để thực hiện toàn bộ công việc bảo hành & thay thế linh kiện.Sự việc chỉ vỡ lở sau 10 ngày khi T vào một nhóm hỗ trợ về máy tính trên Facebook và biết về chính sách bảo hành 2 năm cho chính máy tính của T. Sau khi gọi điện lên TTBH và hỏi về thông tin sửa chữa máy, T phát hiện máy của mình đã có người cầm lên TTBH khoảng 1 tuần trước để sửa chữa miễn phí, trong khi vẫn tính giá dịch vụ với T là 4,8 triệu đồng và lại không được gắn ổ cứng HDD cũ kèm theo máy.
Nguyễn Hoàng Linh