Thiết kế - dòng gaming nhưng mỏng nhẹ, dễ dàng mang đi
Thiết kế có lẽ là ấn tượng đầu tiên của mình khi nhìn thấy em này. Máy mình đang xài là màu đen, mình thích màu đen vì nó mang vẻ nam tính vậy thôi, đường nét máy cực tinh xảo, cực gaming luôn nha anh em. Dù nó là máy thuộc dòng ROG của Asus (dòng gaming) nhưng nhìn lại rất thanh lịch. Xung quanh khung máy được bố trí rất nhiều khe tản nhiệt do máy mỏng nhẹ nên để nhiệt thoát nhanh hơn họ phải để nhiều khe để dễ tản nhiệt hơn. Mình có thắc mắc tại sao máy gaming mà lại mỏng nhẹ đến vậy, mình tiến hành lấy thước đo thì đo ra độ dày là 15,8mm và trọng lượng chỉ 1,3kg, mình thách các bạn tìm được con máy gaming nào có độ dày và trọng lượng thấp như vậy đó. Asus ROG Flow X13 giải quyết được vấn đề là mình hay cầm máy đi đây đi đó.
Bàn phím ngon, cổng kết nối đa dạng
Sau một tháng viết được mấy chục bài viết từ con Asus ROG Flow X13 thì mình rút ra được một điều đó là bàn phím nó rất ngon, hành trình phím sâu, độ nảy tốt nó giúp anh em gõ văn bản hay chơi game đều ngon. Layout bàn phím được bố trí vừa vặn, tạo cho mình cảm giác thoải mái khi rõ, anh em đừng nghĩ layout bàn phím không quan trọng nhá, nó giúp anh em gõ phím ít sai hơn và đỡ mỏi tay hơn đó. Cổng kết nối đa dạng là thứ mà rất ít laptop hiện nay giữ lại do các yếu tố liên quan đến phần cứng bên trong nhưng con Flow X13 vẫn giữ lại đầy đủ các cổng như Type A, Type C, HDMI và ngoài ra có một cổng rất đặc biệt giúp anh em có thể gắn eGPU ngoài là cổng xGM.
Màn hình - tần số quét 120Hz và hỗ trợ cảm ứng
Màn hình của Flow X13 có lẽ là thứ duy nhất các bạn có thể dễ nhận thấy đây là một chiếc máy gaming, nó có độ phân giải FHD+ và tần số quét 120Hz hỗ trợ chơi game tốt hơn, mình đã thử dùng nó chơi CS Go, Call of Duty và PUBG thì chỉ có một chữ là phê chữ ê kéo dài, 120 Hz không chỉ ngon khi chơi game mà khi các bạn đọc báo, lướt Facebook hay những thao tác cuộn thì cảm giác rất là đã, rất mượt. Ngoài ra, máy có trang bị màn hình cảm giúp anh em có thể sử dụng như một tablet khi nằm trên giường, ngồi ghế sofa, để bổ trợ cho tính năng cảm ứng thì Asus cũng trang bị cho Flow X13 bản lề 360 để xoay màn hình lại thành một chiếc tablet. Nó như là một thiết bị 2 trong 1, vì vậy anh em có thể biến nó thành một chiếc tablet để chỉnh sửa hình ảnh hoặc phác thảo với bút cảm ứng đi kèm.
Hiệu năng mạnh mẽ - hỗ trợ gắn eGPU
Tất nhiên một chiếc máy gaming thì hiệu năng là điều không thể không nhắc đến. Asus ROG Flow X13 được trang bị bộ phần cứng khá ấn tượng so với kích thước nhỏ gọn của nó, với con chip AMD Ryzen 9 5980HS, GTX 1650 và RAM 32GB 4200MHz DDR4. Điều này không chỉ tốt cho chơi game mà còn giúp nó cân được khá tốt các ứng dụng sáng tạo mà mình hay sử dụng, đặc biệt là những ứng dụng sẽ dựa nhiều vào CPU hơn là đồ họa. Mình cũng có thử test độ mạnh của em nó nhưng cũng không khả quan mấy vì chả biết nó mạnh tới đâu haha, mình chạy 10 tab trong Google Chrome (thứ mà ngốn RAM nhất), đồng thời nghe nhạc trực tuyến trên Spotify, tắt tiếng một số video và để nó chạy liên tục trong nhiều tabs và sau đó chỉnh sửa một số hình ảnh mình mới chụp hôm trước trên Adobe Photoshop, thì em nó vẫn không lag anh em à. Asus có hỗ trợ cho Flow X13 khả năng gắn GPU ngoài (gọi là eGPU) thông qua cổng xGM được trang bị sẵn trên máy, nhưng mình vẫn chưa nghĩ tới trường hợp nào mình cần tới một con GPU ngoài vì cơ bản hiệu năng của máy nó đã làm mình đủ hài lòng và sung sướng rồi.
Thời lượng pin tốt, sạc nhanh
Đối với những việc sử dụng thông thường của mình như gõ văn bản hay đọc tin tức thì pin đạt tầm 5-6 tiếng sử dụng, còn chơi game liên tục thì máy đạt 2-3 tiếng. Đối với một chiếc máy gaming mỏng nhẹ thì có thể nói đây là một thời lượng cực kỳ ấn tượng đối với mình. Thật ra mình thấy anh em khi chơi game thì chọn giải pháp là cắm sạc liên tục khi chơi để đạt được hiệu năng tốt nhất nên đối với gamer thì thời lượng pin nó không phải là một yếu tốt quan trọng, còn anh em văn phòng thì cứ yên tâm mình dùng các tác vụ cơ bản như văn phòng mà không chơi game thì cơ bản đáp ứng đủ một ngày làm việc. Máy dùng USB-C để sạc nên việc quên sạc ở nhà thì bạn có thể mượn đồng nghiệp trên công ty vì chuẩn sạc này đã trở nên khá phổ biến, mình gặp trường hợp này rồi nên mới thấy nó hữu dụng, ngoài ra máy còn có chuẩn sạc nhanh nên anh em yên tâm khi máy hết pin mà công việc vẫn còn dở nhé, nó sạc 30 phút sẽ được 50% nhé, cắm xíu rút ra là xài xả láng.
Nay mình viết hơi nhiều, viết vầy mới đủ hết những gì mình cảm nhận trong 1 tháng vừa qua, mình là một người tham lam và mình biết nhiều người cũng vậy hehe, nên Asus đã đẻ dòng này ra dành cho những người như mình. Từ lúc xài thì mình cũng có thói quen mới là mình hay ra quán cà phê ngồi để làm bài nhưng cũng thỉnh thoảng phải giải trí chút, trước đây mỗi lần viết bài xong mình cần đá Fifa Online 4 và một số tựa game khác để xả stress nhưng với mấy cái laptop văn phòng thông thường thì nó làm mình tuột mood thiệt đá có 1 trận là ngáo luôn, còn giờ thì Flow X13 là chân ái nhá
CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ
- Trên Tay Sớm ASUS ROG Strix SCAR 18 (2025) Laptop Gaming RTX 50 Series Với Thunderl bolt 5, Màn MiniLED 240Hz Mạnh Nhất
- "ROG Strix SCAR 18 (2025) vs SCAR 18 (2024)" So Sánh Hai Thế Hệ Laptop Gaming Sở Hữu CPU/GPU Mạnh Nhất
- Top Laptop Gaming Cao Cấp 2025 Có CPU Mạnh Nhất Bảng Xếp Hạng Chip Intel và AMD
- ASUS ROG Zephyrus G16 (2025) và G16 (2024) - So sánh hiệu năng hai laptop gaming 16 inch mỏng nhẹ mạnh nhất
- Top Laptop Gaming Tầm Giá 30 Triệu Mạnh Nhất Đáng Sở Hữu Nhất Hiện Nay